|
BÀI DỰ THI
VIẾT VỀ MÁI TRƯỜNG, THẦY CÔ, BẠN BÈ
HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG
Họ và tên: Nguyễn Thị Hà; Tổ: Ngoại ngữ- Tin học;
Thể loại dự thi: Tản văn |
____________________________________________________________________
NHỮNG NGƯỜI “THUYỀN TRƯỞNG”
CHÈO LÁI “CON TÀU PHAN ĐÌNH GIÓT”
Tôi làm nghề dạy học đến nay đã được 15 năm. Khoảng thời gian ấy không phải quá dài, nhưng cũng không phải ngắn. Chứng kiến sự đổi thay tươi mới từng ngày của ngôi trường, tôi thấy thật tự hào và vô cùng cảm kích bởi những đóng góp của tập thể sư phạm, đặc biệt là tầm nhìn xa trông rộng, phương pháp quản lý, khích lệ cán bộ nhân viên, học sinh trong mọi hoạt động giáo dục và tình yêu thương dành cho học trò của các thế hệ những người “thuyền trưởng”- hiệu trưởng đã và đang “chèo lái” “con tàu” mang “nhãn hiệu” Trường THPH Phan Đình Giót.
Trường THPT Phan Đình Giót được thành lập ngày 27/6/2000 theo Quyết định số 582/QĐ-UB, ngày 21/6/2000 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên). Ngày tôi được Sở giáo dục đào tạo phân công về công tác tại trường vào năm 2004, cô sinh viên mới ra trường cảm thấy choáng ngợp về một ngôi trường với khuân viên gọn gàng, sạch đẹp, nhiều cây xanh, có dẫy nhà ba tầng, mái đỏ uy nghi hiện ra trước mắt. Tôi nghe các anh chị đồng nghiệp kể lại rằng: Thầy giáo Đào Hoài Nam, Hiệu trưởng,cũng là người đặt những viên gạch đầu tiên, “viên gạchnền móng” cho nhà trường.
Thầy giáo Đào Hoài Nam(trái) trong ngày khai giảng năm học 2001- 2002.
Khó khăn ngày đầu thành lập, cơ sở vật chất còn chưa đủ nên “thuyền trưởng” Đào Hoài Nam phải cùng giáo viên, học sinh nhà trường học nhờ tại Trường THCS Thanh Bình và Trường THPT DTNT Tỉnh. Ngày được chính thức chuyển các lớp học về trường, đường vào trường gồ ghề bụi bặm vào mùa khô, trơn trượt vào mùa mưa. Chuyện các thầy cô và học sinh vào lớp với bộ trang phục lấm lem bùn đất do ngã xe trên đường là chuyện thường thấy. Thầy đã cùng các thầy cô khác tranh thủ ngày nghỉ, tu sửa, lấp đất vào các “hố voi” cho con đường vào trường.
Lễ khai giảng đầu tiên tại trường THPT Phan Đình Giót.
Rồi cũng trong những ngày đầu ấy, khuân viên trường còn hoang sơ, chưa có cây cối. Thầy đã khởi xướng phong trào “Mỗi lớp một bồn hoa, cây cảnh”. Đây là một trong những phong trào rất “khó nhằn” bởi lớp đất đồi khô cứng, bên dưới toàn gạch, đá lổm nhổm, đào một lỗ nhỏ cũng khó chứ nói gì đến những hố to và các bồn cây. Nhưng tâm huyết về một ngôi trường có nhiều cây xanh của thầy cuối cùng cũng được hiện thực hóa. Từng bồn cây với đủ màu sắc tươi đẹp, hoa đua nở quanh năm đã phủ kín trong và ngoài khuân viên trường.
Cho đến mãi sau này, tôi vẫn còn nghe thầy Phạm Văn Cường (Hiệu trưởng thời kỳ sau) trầm trồ thán phục:
-Thầy Nam đúng là người biết nhìn xa trông rộng. Ngay cái hàng thông ngoài cổng trường thôi đã thấy sự uy nghi của ngôi trường…. Còn những gốc si kia, mỗi năm tuổi đều được cắt tỉa thành một tầng, bao nhiêu tầng là bấy nhiêu năm trường mình được thành lập. Cây si được xem là mang lại may mắn, cát tường, sinh khí tốt.
Người “thuyền trưởng” kế nhiệm là thầy giáo Đặng Đình Bưởng. Năm tôi vào công tác cũng chính là năm thầy về làm hiệu trưởng nhà trường. Ấn tượng của tôi về người thầy có mái tóc bạc nhưng lại rất tâm huyết với các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao. Thời kỳ ấy, trong các cuộc thi “Tiếng hát người giáo viên”, “Giai điệu tuổi hồng”, “Hội thao truyền thống ngành giáo dục”hay “Hội khỏe phù đổng”… thì Trường THPT Phan Đình Giót thường đứng thứ hạng đầu. Có được những vị trí ấy là bởi thầy thường xuyên khích lệ, cổ vũ cán bộ giáo viên và học sinh tích cực tham gia các hoạt động phong trào. Thầy tổ chức chơi thể thao 2 buổi/ tuần tùy theo sở trường năng lực của từng người. Vào các buổi chơi thể thao, trên sân trường không khác gì một khu huấn luyện đa thể thao. Ở sân trước, các đội nam, nữ chơi bóng chuyền. Ở sân sau là các “cầu thủ” bóng đá, cầu lông, cầu mây. Dưới tán cây các cặp đôi luyện cờ vua, cờ tướng… Thỉnh thoảng vào buổi tối và ngày nghỉ cuối tuần, Đoàn thanh niên lại tụ họp luyện văn nghệ. Ngoài việc tạo cơ sở vật chất thuận lợi cho giáo viên, học sinh luyện tập, thầy thường tổ chức các cuộc thi, hội diễn văn nghệ thể thao để các thành viên có cơ hội thể hiện, khẳng định bản thân. Có lẽ nhờ thầy mà thầy cô, học sinh nhà trường khi tham gia hoạt động phong trào các cấpđều tự tin và luôn đạt ngôi vị quán quân, á quân.
|
|
Thầy giáo Đặng Đình Bưởng (đứng thứ 6, ảnh 2) và cán bộ, giáo viên tham gia hội thi văn nghệ, hội thao của Ngành.
Người “thuyền trưởng” thứ ba là cô giáo Phạm Lệ Thanh, một cô giáo có dáng người mảnh mai, mái tóc đen dài luôn được tết lại hoặc búi gọn gàng sau gáy. Từ cái dáng người đã nói lên tính cách, phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả của cô. Cô rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dạy, học cho giáo viên, học sinh toàn trường. Cô luôn yêu cầu giáo viên phải đảm bảo thực hiện tốt quy chế chuyên môn. Ngoài ra, cô thường khích lệ, tạo điều kiện cho thầy cô, học sinh nhà trường có cơ hội tham gia học hỏi, bồi dưỡng chuyên môn. Ít có người hiệu trưởng nào lại tranh thủ thời gian, sắp xếp công việc hợp lí để đi dự giờ giáo viên một cách đều đặn. Không chỉ dự giờ cùng môn mà ngay cả những môn học khác cô cũng đi dự. Sau tiết dự giờ, cô lại nhận xét, rút kinh nghiệm một cách tỉ mỉ, chi tiết để giáo viên phát huy ưu điểm, hạn chế nhược điểm của mình.
Cô giáo Phạm Lệ Thanh nhận bằng khen của Bộ giáo dục.
Tôi còn nhớ, năm ấy Sở giáo dục đào tạo tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh. Trước ngày thi, cô có buổi gặp gỡ, động viên các giáo viên tham gia thi. Cô chủ động liên hệ với các trường cho giáo viên nhà trường sang giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, làm quen với học sinh. Sau mỗi buổi thi, tôi đều thấy cô bồn chồn đứng tận cổng trường đón và hỏi han các thầy cô về kết quả thi.
Với học sinh, cô không ngần ngại chia sẻ những cách học hiệu quả. Cô cũng trực tiếp lên lớp giảng dạy, ôn thi học sinh giỏi. Cô cho rằng:
- Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là một nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài cho nhà trường nói riêng, địa phương, đất nước nói chung…
Có một cô học trò đã từng tâm sự:
- Em thích học cô Thanh lắm. Cô ấy dạy rất dễ hiểu. Từng bài giảng, lời nói của cô đều thật ý nghĩa. Cô Thanh là hiệu trưởng, nhưng lại vô cùng gần gũi với chúng em…
Phát triển đội ngũ nhà giáo đảm bảo về số lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn về chất lượng, đáp ứng nhu cầu tăng quy mô, chất lượng, hiệu quả giáo dục; Đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ về kiến thức, kỹ năng, rèn lyện phẩm chất đạo đức; Điều chỉnh, sắp xếp lại cán bộ theo yêu cầu mới phù hợp với phẩm chất, năng lực từng người là kim chỉ nam cho mọi hoạt động giáo dục của thầy giáo Phạm Văn Cường, người “thuyền trưởng” thứ tư “chèo lái” “con tàu” Phan Đình Giót. Nhiều ý kiến cho rằng vị “thuyền trưởng” này có những đổi mới trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục tại nhà trường.
|
|
Thầy giáo Phạm Văn Cường (cầm cuốn tài liệu) trong ngày khai giảng năm học 2015- 2016.
Hàng năm, thầy giáo Phạm Văn Cường đều xây dựng kế hoạch của nhà trường một cách bài bản, khoa học, dân chủ. Ngoài ra các quy định, quy chế quản lý, thi đua khen thưởng, chi tiêu nội bộ cũng được thầy đưa ra bàn bạc minh bạch, rõ ràng, chi tiết trong cơ quan. Thầy đặc biệt chú ý đến việc khai thác triệt để các phương tiện hiện đại và khoa học tiên tiến như: xây dựng phần mềm quản lý học sinh; xây dựng Website của nhà trường với mục đích giúp cho công tác quản lý, tuyên truyền, lưu trữ hoạt động. Để đảm bảo an ninh, thầy cho lắp hệ thống camera tại các khu vực trọng yếu của nhà trường.Thầy có sự phân công công tác cho các thành viên trong nhà trường một cách phù hợp, đúng người, đúng việc. Đồng thời, thầy phối kết hợp giữa các tổ chức đoàn thể trong nhà trường để tạo ra sự đoàn kết và sức mạnh tổng hợp.
Những người “thuyền trưởng”- Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Giót qua mỗi thời kỳ đều có những sự tận tâm và các chiến lược khác nhau để cùng đưa con tàu mình lái đến các “bến cảng” của sự thành công. Người “thuyền trưởng” đương thời, thầy giáo Phí Văn Sốp lại cho tôi minh chứng về sự phát triển nhà trường bằng quan điểm yêu thương học sinh. Đồng quan điểm với cố GS. Văn Như Cương (Đại học sư phạm Hà Nội), cho nên thầy giáo Phí Văn Sốp rất chú trọng đến tiêu chí “thầy cô yêu thương, gần gũi, nhiệt tình với học sinh”. Quan điểm đặt học sinh vào trung tâm, luôn lắng nghe, tạo điều kiện tốt nhất cho các em đã trở thành tư tưởng thông suốt mọi hoạt động của nhà trường. Hiếm có trường THPT nào trong tỉnh, có đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ cho việc dạy, học như trường THPT Phan Đình Giót. Đặc biệt, khi theo học tại nhà trường các em học sinh ngoài các tiết học trên lớp còn được trải nghiệm các hoạt động ngoài giờ, sinh hoạt ngoại khóa, nâng cao kỹ năng sống, khám sức khỏe miễn phí định kỳ.
Hàng ngày, thầy chú ý đến từng bữa ăn, giấc ngủ của học sinh nội trú. Thầy luôn quan tâm, tìm giải pháp giúp đỡ phù hợp với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Có những lần giữa trưa, khi nghe tin học sinh bị ốm phải vào bệnh viện cấp cứu, thầy vội vàng vào hỏi thăm, động viên. Tôi và nhiều thầy cô trong trường đã chứng kiến sự lo lắng của thầy khi dặn dò học sinh trước khi các em nghỉ Tết về những điều không được làm như uống rượu, tụ tập đánh nhau, đi chơi xa…Đối với những học sinh còn vi phạm nội quy của nhà trường, thầy phân tích để học sinh nhận ra lỗi lầm của mình và tự định hướng sửa chữa. Có lẽ nhờ tình yêu thương của thầy dành cho học trò nên những năm gần đây nhà trường luôn là địa chỉ tin cậy để học sinh từ các huyện vùng sâu Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Tuần Giáo về học.
Thầy giáo Phí Văn Sốp (mặc áo vest) đón nhận tình cảm của các học trò
nhân ngày 20.11. 2018
Với sự cố gắng của cả tập thể sư phạm, sự đoàn kết nội bộ, đặc biệt sự điều hành của các “thuyền trưởng chuyên nghiệp”, trong từng năm học nhà trường đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trải qua 20 năm thành lập, các thế hệ những người “thuyền trưởng”- hiệu trưởng của nhà trường luôn giữ ngọn lửa đam mê, cống hiến cho ngành Giáo dục bằng tất cả tình yêu, trách nhiệm của một nhà giáo, một cán bộ quản lý giáo dục được đồng nghiệp, nhân dân và học trò tin yêu. Trường THPT Phan Đình Giót ngày càng có nhiều thay đổi tích cực: lớp học khang trang hơn, đảm bảo các trang thiết bị dạy, học; đội ngũ giáo viên nhà trường từng bước được nâng cao về chuyên môn, vững vàng về nghiệp vụ; trường đã có bề dày thành tích, được vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quí của Đảng, Nhà nước, của địa phương và của ngành (Tập thể lao động xuất sắc, Cờ thi đua Xuất sắc, Bằng khen của UBND Tỉnh Điện Biên và Bộ Giáo dục đào tạo;Đặc biệt, trong năm 2013 nhà trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; được UBND tỉnh Điện Biên công nhận là trường THPT đạt chuẩn quốc gia). Đây là những mốc son đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của nhà trường, đồng thời cũng là sự ghi nhận của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội đối với những cố gắng, nỗ lực của các thế hệ hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Giót.