Vào một ngày đầu đông, khi cái rét bắt đầu len lỏi từng ngõ ngách, vẽ nên những bức tranh tuyệt đẹp với muôn vạn gam màu đối lập của cuộc đời. Cô Nguyễn Thị Hà- Phó bí thư Đoàn trường đã đưa chúng tôi đến một bức tranh với những hình ảnh khiến tôi chạnh lòng, thương cảm đến cháy tâm can. Bức tranh có thật về cuộc sống nghèo khó của gia đình bạn Ly Thị May, học sinh lớp 10A7, trường THPT Phan Đình Giót, Tỉnh Điện Biên. Đáng khâm phục hơn cả là ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong học tập của cô gái có mái tóc vàng ươm này.
Ảnh: May và các bạn về thăm bố mẹ
May là người dân tộc H'Mông. Bố mẹ May là nông dân, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Mẹ May thậm chí còn không nói được tiếng phổ thông bởi bà chỉ biết đến "cái nương, cái rãy" chứ chưa từng được học "cái chữ". May là con gái duy nhất trong bốn anh em. Ba anh trai của May cũng đã nối nghiệp cha mẹ, bạt núi san rừng làm nông nghiệp. Nhưng dù chăm chỉ làm lụng vất vả thì những củ sắn, bắp ngô, hạt thóc... lúc được lúc mất không làm gia đình May khá giả chút nào, thậm chí nhà May còn nghèo, nghèo lắm.
Ngôi nhà nhỏ, chỉ cao hơn đầu người một chút, nằm trên đỉnh một ngọn núi, cách trung tâm xã Núa Ngam, huyện Điện Biên tới 7km đường rừng quanh co, đầy nguy hiểm. Trong nhà, chẳng có gì ngoài vài bộ quần áo cũ mèm, vắt ngổn ngang trên dây thép, hai chiếc giường tự đóng bằng những miếng gỗ mộc mạc, xù xì. Có lẽ, đối với các lữ khách như tôi, thứ giá trị nhất trong ngôi nhà ấy là những tia nắng mặt trời xuyên qua kẽ hở của vách nhà. Nhưng tôi lại thấy xót xa khi nghĩ đến cái lạnh trong ngôi nhà ấy những lúc trời mưa, giông bão hay lúc những cơn gió lạnh ùa về.
Ảnh: Con đường gập ghềnh, nguy hiểm từ nhà May đến trường.
Chính vì nhà quá nghèo, đường đi học lại xa và không an toàn nên mùa hè năm ấy, khi May vừa học xong lớp 9, bố May gọi May lại và nói:
- Mày là con gái, mày học thế thôi. Từ nay ở nhà đi chăn con trâu, con bò cho bố.
May buồn lắm. May trả lời bố:
- Con thích đi học với các bạn.
Một tháng trôi qua, bố vẫn giữ nguyên quan điểm:
- Con gái lớn, biết làm nương rãy rồi thì phải ở nhà giúp bố mẹ thôi.
May buồn, May khóc. Mỗi ngày lủi thủi lùa bò lên rừng ăn cỏ, May đều tủi thân, rơi nước mắt.
Mùa hè trôi qua, mùa tựu trường đã đến. Mấy đứa bạn cùng bản xuống trường học hết rồi mà May vẫn chưa được bố mẹ đồng ý cho đi học. May chẳng biết làm thế nào, đành tìm đến nhà chú Trá nhờ chú khuyên nhủ bố mẹ. (Chú Trá là em trai của bố May). Nghe May nói, chú Trá gật đầu tán thành:
- Ừ, mày thích đi học thì phải cho đi học chứ. Nhưng mày phải học giỏi đấy nhé.
Nhờ sự tác động của chú Trá, sau ngày tựu trường ba tuần, May cũng được đến trường học cùng các bạn. May vui lắm.
Ở trường, May chú ý nghe thầy cô giảng bài, ghi chép đầy đủ. May không ngại hỏi bài các bạn những chỗ May chưa hiểu. Dường như May yêu thích, trân trọng từng khoảnh khắc ngồi trên ghế nhà trường. May hiểu rằng, để May có cơ hội ngồi học cùng các bạn, bố mẹ và các anh của May đang phải làm việc vất vả hơn rất nhiều lần.
Ảnh: May trao đổi bài với bạn cùng lớp
Sau tuần học đầu tiên, May trở về thăm nhà, vội khoe với chú Trá:
- Chú ơi, tuần này cháu được một điểm 7, hai điểm 8 và một điểm 9.
Chú Trá nhấp chén nước, gật gù:
- Ừ, thế mày cũng biết học đấy nhỉ.
Rồi chú cứ thủ thỉ dặn May phải chịu khó học, không được mải chơi, không được yêu sớm....
May cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào của lớp, của trường. Nhờ những cố gắng, nghị lực của mình, May đã được thầy cô và bạn bè Trường THPT Phan Đình Giót đề nghị nhận 01 học bổng của Hội khuyến học Tỉnh Điện Biên.
Ảnh: May tham gia Hội thi Giai điệu tuổi hồng.
Ảnh: May được nhận học bổng của Hội khuyến học Tỉnh Điện Biên.
Câu chuyện về cô bạn dân tộc thiểu số người H'Mông, có mái tóc vàng hoe, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để được đến trường học khiến cô Hà và tôi trăn trở suốt quãng đường gần 40 km từ nhà May đến trường THPT Phan Đình Giót. Con đường ấy có những đoạn đường rừng trùng điệp, dốc lên dốc xuống , đầy sỏi đá với 1 bên là vực thẳm. Chúng tôi thật sự khâm phục nghị lực, ý chí của May. Tôi hy vọng rằng, cuộc sống sau này của May sẽ thay đổi, May được học hành đầy đủ, có công ăn việc làm ổn định, có thể giúp bố mẹ và các anh của May đỡ vất vả hơn như lời cô Hà nói: "Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường". Tôi hy vọng rằng, ý chí sẽ đưa May đến con đường rộng thênh thang, bằng phẳng, hiện đại, lung linh nhiều màu sắc.